[slide-anything id="248"]

Ba Lần Kết Tập Kinh Điển Đầu Tiên của Phật Giáo

CHƯƠNG I: DẪN NHẬP

I.1 Ý nghĩa và tầm quan trọng của đề tài

Trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử đạo Phật có thể tồn tại với thời gian là nhờ sự truyền thừa Phật pháp. Toàn bộ giáo lý mà Thế Tôn đã để lại cho chúng sanh là một kho tàng Pháp bảo, đó là kinh luật và luận. Ba tạng kinh điển này là ánh sáng nhiệm mầu giúp cho nhân loại phá tan màn đêm đau khổ. Và còn là chiếc thuyền đưa người vượt khỏi sông mê đến bờ giác ngộ giải thoát. Như trong kinh trường bộ có viết: “ dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác”[1] Sau khi Ngài nhập niết bàn ba tháng thì các vị thánh tăng mở ra kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất hầu để củng cố tăng đoàn thêm vững mạnh, mặt khác ôn lại những lời dạy của Thế Tôn, lấy đó làm động lực sách tấn đại chúng trên bước đường hành đạo  giải thoát. Tiếp theo là 100 năm sau khi Phật nhập niết bàn thì kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai được diễn ra tại thành Tỳ Xá Ly, nguyên nhân là do nhóm Tỷ kheo Bạt Kỳ đưa ra mười điều phi pháp. Theo sau đó là kỳ kết tập lần thứ ba được diễn ra cách Phật nhập niết bàn 218 năm.

Xã hội hôm nay cách Phật quá xa, nhờ đâu mà chúng ta có sự thừa hưởng giáo pháp ấy? đó là nhờ công lao vô cùng to lớn của các vị đại Thánh tăng, đã dày công kết tập những lời dạy của Như Lai thành Tam tạng kinh điển. Nhờ vậy mà tín đồ Phật giáo ngày nay có cơ hội tận hưởng những lời vàng ngọc ấy. Qua đó, chúng ta thấy rằng kết tập kinh điển là sự kiện vô cùng quan trọng đối với phật giáo, nhờ có những lần kết tập này mà giáo pháp của đức Phật được truyền thừa cho đến ngày hôn nay. Chính vì thế người viết chọn đề tài này để làm tiểu luận của mình

I.2 Lịch sử văn học về đề tài

Đức Phật đối với chúng sanh như người cha hiền cao cả, giáo pháp của Ngài đã lan tỏa khắp nơi, là chân lý sáng ngời giúp cho nhân loại thấy đâu là bến mê đâu là bờ giác. Chính vì thế có rất nhiều học giả viết về lịch sử của Ngài, những sự kiện sau khi Ngài nhập Niết bàn như ba lần kết tập kinh điển… là một tiền đề cho nhiều nhà nghiên cứu. Cụ thể như trong bộ sách Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận do nhà xuất bản Phương Đông ấn hành 2006. Trong đó tác giả Viên Trí có viết về ba lần kết tập kinh điển đầu tiên. Bên cạnh đó còn có bộ sách Lược Sử Phật Giáo ấn Độ của nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, ấn hành 1995.

I.3 Phạm vi nghiên cứu

Để hoàn thành bài viết Ba Lần Kết Tập Kinh Điển Đầu Tiên của Phật Giáo người viết dựa vào những nguồn tài liệu như Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận của Viên Trí, Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ của Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm, Pháp Thức Và Ý Nghĩa Hành Trì Giới Luật của Tâm Hạnh…để trỉnh bày những nội dung sau:

I.4 Phương pháp nghiên cứu

Để hoàn thành tập tiểu luận này người viết dùng phương pháp phân tích để làm sáng tỏ nội dung nghiên cứu. Song song đó người viết còn dùng phương pháp dẫn chứng, chứng minh để giúp cho bài văn tăng thêm phần thuyết phục.

I.5 Phần giả định 

Đề tài này sẽ đề cập trên một giả thuyết được đặt ra là dù có những khác biệt trong đường lối bảo vệ và phát huy chánh pháp giữa các tông phái của đạo phật , nhưng đều nhắm vào việc cứu khổ chúng sanh và giúp cho nhân loại tìm đến con đường an lạc giải thoát . Điều quan trọng ở đây là nêu rõ ba lần kết tập kinh điển đầu tiên của Phật giáo.

 

 

CHƯƠNG II: NGUYÊN NHÂN, KẾT QUẢ VÀ TIẾN TRÌNH KẾT TẬP KINH ĐIỂN LẦN THỨ NHẤT.

II.1:Nguyên nhân:

Sau khi nghe Đức Phật thị tịch, Đại Đức Ca Diếp trở về Câu Thi Na, trên đường đi Ngài có gặp nhiều vị Tỳ kheo, trong đó có một vị tên là Bạt Nan Đà một vị lớn tuổi mới xuất gia, niềm tin đối với Tam bảo chưa có nhiều. Sau khi nghe Đức Phật nhập diệt, ai cũng thấy thương tiếc, khóc than đau khổ cùng tột vì đã mất một bậc thầy của trời và người. Nhưng đối với vị này lại vui mừng và tuyên bố gây xáo trộn trong Tăng đoàn, ông ta nói rằng: “ Thôi, đủ rồi thưa các Ngài, đừng có than khóc thảm thiết nữa! Nay chúng ta đã thoát khỏi sự kềm chế của Đại Sa môn làm bực mình bằng việc nói rằng , ‘cái này hợp với các ngươi, hay cái này không hợp với các ngươi’. Nhưng, nay chúng ta có thể làm bất cứ gì chúng ta thích, và những gì chúng ta không thích chúng ta sẽ không làm…”[2]. Sau khi Tôn giả Đại Ca Diếp (Mahakassapa) nghe như thế và không đáp lại những lời này, và Ngài đã suy nghĩ, đây là lời cảnh báo về tình trạng suy đồi đạo đức trong hàng ngũ Tăng đoàn, sau khi bậc Đạo sư không còn nữa và đây là lý do để Ngài triệu tập, kiết tập kinh điển lần thứ nhất. Nếu không kiết tập kinh điển thì lời dạy của Đức Phật biến thành mây khói, các tỳ kheo có khả năng nhanh chóng nhập diệt, thì kinh luật không có người lưu truyền cho hậu thế. Và tất cả chúng tăng tán thành lời đề nghị đó.

II.2 Thời Gian , Địa Điểm

Sau đức Phật nhập Niết Bàn ba tháng, vào cuối tháng hai và đầu tháng ba, tức là mùa kiết hạ an cư đầu tiên vắng mặt đức Thế Tôn. Những nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất được tổ chức tại thủ đô Ma Kiệt Đà(Magadha) tức Thành Vương Xá(Rajagaha), hang Thất Diệp (sattapanna) vì tại đây chúng tăng không gặp khó khăn về vấn đề chỗ ở và lương thực trong suốt thời gian nghị sự, tăng già đã uỷ quyền chọn lựa tư cách thành viên tham gia đại hội cho trưởng lão Đại Ca Diếp (Mahakassapa), và tổng số thành viên Ngài tuyển chọn là 449 vị  A La Hán tham dự.Tuy nhiên, Tăng già không đồng ý với quyết định của trưởng lão khi không cho phép tôn giả Ananda tham dự kỳ kết tập, với lý do rằng tôn giả Ananda chưa chứng quả A la hán, nhưng về phương diện khác, tôn giả Mahàkassapa không thể phủ nhận rằng tôn giả Ànanda đã lắng nghe và ghi nhớ nhiều Pháp thoại của đức Phật hơn bất cứ Tỳ-kheo nào khác. Do vậy, vì quyền lợi Chánh Pháp, tôn giả đưa vị ấy vào danh sách các thành viên của hội đồng. Danh sách này được xem là bao gồm 500 Tỳ-kheo, tất cả chư Thượng tọa trưởng lão (Thera). Cuối cùng, trưởng lão Đại Ca Diếp đồng ý, nhưng phải chờ khi ngài Ananda chứng quả thì mới được, bởi vì những kim ngôn của đức Phật được những vị chứng quả trùng tuyên lại, có giá trị cao hơn so với những vị còn phàm tục. Vì cái thấy của người thoát tục là nền tảng vững chắc về mặt tinh thần cho chúng sanh nương tựa, bên cạnh đó còn là kim chỉ nam giúp cho nhân loại  tiến đến quả vị an lạc giải thoát. Ngài Ưu Ba Ly, vị trì luật thứ nhất được cử tụng lại các điều giới luật, Ngài A Nan bậc đa văn đệ nhất được cử tụng lại pháp của đức Thế Tôn. Sau khi tụng xong, được sự thảo luận và thừa nhận của đại chúng cho là đúng với lời Phật đã nói. Và hai tạng kinh, luật có bắt đầu từ đó. Thời kỳ kết tập này chỉ có trong thời gian bảy tháng. Người bảo trợ toàn bộ kỳ kết tập này do vua A Xà Thế, bởi vì ngài là đệ tử thân tín của đức Phật.

 

 

II.3 Vị Chủ Tọa và Người Bảo Trợ

Vị chủ tọa của kỳ kết tập tiên là do ngài Đại Ca Diếp (Mahakassapa) đảm nhiệm .Tôn giả Đại Ca Diếp là một trong mười vị đại đệ tử của đức Phật và Tôn giả nổi danh là đầu đà đệ nhất. Sau khi đức Phật nhập diệt, vì muốn lưu giữ lại những lời dạy của Thế Tôn, mặt khác vì muốn Tăng chúng tiến tu để bảo tồn chánh pháp nên tôn giả Đại Ca Diếp đã đề nghị kết tập lại những lời dạy xúât phát từ kim ngôn của Đức phật khi còn tại thế.Từ đó kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất được hình thành.

Trong kỳ kết tập này, thành phần tham dự là 500 vị A La Hán. Ngài Huyền Trang cho rằngkỳ kết tập này là 1000 vị, nhưng không chính xác.

Theo tiểu phẩm (Cullavagga) và đại phẩm (Dipavamsa) thành viên tham dự là 500 vị A La Hán.

Người bảo trợ toàn bộ kỳ kết tập này do vua A Xà Thế đại thọ, bởi vì Ngài là đệ tử thân tín của đức Phật. Theo quyển Lịch Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni “trước khi quy y Phật vua A-xà-thế (Ajàtasatru) là người đắm chìm trong tội lỗi, nghe theo lời xúi giục của Đề Bà Đạt Đa giết cha cướp ngôi và đã cùng với Đề Bà Đạt Đa đã tìm đủ mọi cách để hảm hại Phật, nhưng cuối cùng vua A-Xà-Thế đã được đức Phật dùng từ tâm giáo hoá, quy y và trở thành đệ tử Phật.[3] Sau khi cải thiện lại cuộc đời, vua A Xà Thế hết lòng tôn kính tam bảo và ủng hộ chư Tăng  trên bước đường hành đạo. Song kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất nầy là do vua A Xà Thế phát tâm bảo trợ.

II.4 TIẾN TRÌNH KIẾT TẬP

II.4.1 VỊ TRÙNG TUYÊN LUẬT TẠNG

Đức Phật ra đời vì muốn khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Tuy hôm nay Ngài không còn nữa nhưng Ngài đã để lại một kho tàng pháp bảo vô giá cho nhân loại. Trong đó luật tạng là một trong ba tạng kinh điển được lưu truyền trong Phật giáo, và phần luật tạng này là nền tảng vững chắc cho người học Phật.Vì vậy trước khi tịch khỏi cõi thế mà vào Niết Bàn đức Thế Tôn có khuyến khích chư đệ tử rằng “ khi ta từ giả, chư đệ tử chớ nói rằng ta nhập Niết Bàn là ta hết bảo hộ đâu. Không, ta để luật lại nó sẽ bảo hộ cho hãy coi ta là thầy mãi, bao giờ luật của ta còn trì giữ thì đạo Phật vẫn còn tỏ rõ và thạnh hành”[4].

Thật vậy, giới luật đối với người học Phật vô cùng quan trọng và không thể thiếu được trên bước đường tu học giải thoát. Vì giới luật là chiếc thuyền đưa người vượt khỏi sông mê đến bờ giác ngộ. Nhưng nhờ đâu mà luật tạng được truyền mãi đến ngày hôm nay? Phải chăng nhờ Ngài Upàli đã trùng tuyên lại trong lần kết tập kinh điển đầu tiên.

Quả thật, theo sử liệu ghi trong (cullavagga) tiến trình kiết tập rất đơn giản, người được đề cử trùng tuyên tạng luật là Ngài Upàli, và tiến trình kết tập được diễn tiến như sau:

“Tôn giả Đại Ca Diếp hỏi tôn giả Upàli

-Thưa tôn giả Ùpali, giới Ba La Di được ban hành tại đâu?
– Ngài đáp tại Vesali.
– Thưa tôn giả liên hệ đến người nào trong giới này?
–  Ngài đáp Tu Đề na (Sudina)
– Thưa tôn giả liên hệ đến vấn đề gì ? giới thứ nhất của Ba La Di

-Ngài đáp liên hệ đến sự dâm dục.”[5]

Với thể thức như vậy, Ngài đại Ca Diếp hỏi Ngài Ùpali từng học giới một. Giới nào Phật chế trước, chế tại đâu, người nào sai phạm, phạm tội gì? Tương tự như vậy đại chúng thông qua.

Sau lần kết tập kinh điển đầu tiên mà luật tạng được lưu truyền cho hậu thế, và nhờ sự đóng góp vô cùng to lớn của tôn giả Upàli mà cuộc kết tập được hoàn thành viên mãn. Vì vậy thế hệ trẻ chúng ta ngày nay phải biết ơn, nhớ ơn người đã lưu truyền Pháp bảo và cố gắng giữ hạnh trang nghiêm trao dồi giới đức để xứng đáng là sứ giả của Như Lai

 

II.4.2 VỊ TRÙNG TUYÊN KINH TẠNG

            Vì niềm tin và sự lưu truyền chánh pháp có giá trị ngàn năm nên cần phải có tính chính xác mà tính chất ấy là phải nhờ vào ngài Anan, vì Ngài là bậc mà được đức Phật khen là đa văn đệ nhất, tức là nghe nhiều và học rộng, đặc biệt là nhớ dai, Ngài luôn luôn hầu cạnh bên đức Phật nên tất cả mọi bài pháp đức Phật diễn thuyết Ngài đều nghe và thuộc cả . Vì thế, việc kết tập kinh tạng, đã được các vị Thánh tăng đề nghị Ngài Anan trùng tuyên lại. Cuối cùng mọi người và mọi vật đều sẵn sàng bắt đầu họp, tất cả trừ tôn giả Ànanda, người vẫn chưa trở thành một vị A La Hán. Khi ấy đại đức Ànan nghĩ rằng “ ngày mai là đại hội, việc ta sẽ đi đến đại hội khi còn là bậc hữu học thật là không đứng đắn cho ta”[6]. Vì Tủi hổ, tôn giả chuyên tâm hành thiền hầu như suốt đêm ấy cho đến khi tản sáng trước giờ hội nghị khai mạc, tôn giả muốn nghỉ ngơi đôi chút, bỗng nhiên “ hai chân vừa mới giở lên khỏi mặt đất, và trong khoảng thời gian ấy tâm đã được giải thoát khỏi lậu hoặc không còn chấp thủ. Sau đó, đại đức đã đi đến đại hội với tư cách là vị A la hán”[7]. Giờ đây, thì cuộc kết tập được bắt đầu.

Cũng tuần tự như trên, kết tập kinh tạng do Ngài Ànan trùng tuyên lại toàn bộ kinh tạng do Phật nói trước đó. Tôn giả Đại Ca Diếp vấn Ngài Ànan như sau: “này hiền giả Anan! nguyên nhân nào mà thế tôn thuyết bài kinh này? Địa điểm ở đâu?, đối tượng thuyết giảng là ai? Nội dung của từng bài kinh là gì?”đại đức Ànanda tuần tự tụng lại Tăng Nhất, Phạm Võng, Đại Nhân Duyên, Sa Môn Quả và những bài kinh Phật thuyết cho các tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà Tắc, Ưu Bà Di và Chư Thiên kết tập lại thành một bộ gọi là Tạp A Hàm. Những kinh lần lượt nói từ một pháp tăng dần đến mười một pháp gọi là Tăng Nhất A Hàm. Ngoài ra tập họp cá kinh nói bao quát nhiều vấn đề thành một bộ gọi là Tạng Tạp. Đại Đức Ànan trả lời xong, rồi chư tăng bắt đầu cùng nhau tụng lại và xác nhận đây là lời của Thế Tôn. Cách thức như vậy cho đến phần kinh tạng, đồng thời trong kỳ kết tập này các ngài cũng phân ra năm bộ Nikàya.

1 Trường bộ kinh có 34 bộ

2 Trung bộ kinh gồm 152 bài kinh

3 Tăng chi bộ kinh

4 Tương ưng bộ kinh

5 Tiểu bộ kinh

Cuộc kết tập kéo dài bảy tháng mới hoàn thành.”[8]. Sau đó tôn giả Mahàkassapa chất vấn Tỳ kheo Upàli về luật của giáo hội và tỳ kheo Ànanda về kinh hay pháp thoại của đức Phật. Nếu hội đồng giữ im lặng, lời dạy của bậc Đạo sư do tỳ kheo Upàli hay Ànanda truyền đạt đều được xem là tường thuật chính xác và như vậy là được công nhận làm Thánh điển. Mỗi Tỳ kheo đều được khuyến khích nêu các điểm vấn nạn hay bổ sung hoặc tuyên bố những lời phát biểu của đức Phật mà vị ấy nhớ rõ để ghi thêm vào. Thánh điển được thiết lập như vậy không phải viết thành văn mà là ghi vào tâm trí. Ở cổ Ấn Độ, các tài liệu tương đối ngắn hạn không được xem là đáng ghi nhớ trong tâm trí, còn những kinh văn có giá trị mục đích thành đạt sự thông hiểu am tường đời sống đều được học thuộc lòng để có thể tụng đọc bất cứ lúc nào và được truyền mãi cho các thế hệ Tỳ Kheo trẻ hơn bằng cách truyền tụng và lập lại thường xuyên.

Thật may mắn thay cho hàng hậu học chúng con, mặc dù không còn được nghe những lời dạy từ kim ngôn của đức Phật, nhưng những lời dạy ấy vẫn còn được những vị đại đệ tử đã trùng tuyên lại cũng như: Ngài Upàli thì đọc luật tạng, còn ngài Anan thì đọc kinh tạng. Sự kiết tập kinh điển lần thứ nhất này được thành tựu viên mãn là nhờ sự đóng góp của các vị đại đệ tử của đức Thế Tôn.

II.4.3 Luận Tội A Nan Và Xa Nặc ( Chanda)

+ Luận Tội A Nan:

Sau khi kinh và Luật tạng được kiết tập hoàn tất, tôn giả A Nan bấy giờ thưa với tôn giả Ca Diếp: “Chính bản thân tôi từng nghe Phật dạy rằng: “Sau khi ta Niết bàn, nếu thấy những giới nào có tính cách nhỏ nhặt, các ngươi có thể loại bỏ”.

Ca Diếp liền hỏi: “Thầy cho những giới nào là nhỏ nhặt?”.

A Nan đáp: “Không biết”.

– Vì sao không biết?

– Vì tôi không hỏi Thế Tôn.

– Vì sao không hỏi?

– Vì bấy giờ thân Phật đang bất an, sợ làm não loạn Ngài.

– Vì thầy không hỏi ý nghĩa những vấn đề ấy, nên phạm tội Đột cát la, phải tự mình nhận tội và sám hối.

– Thưa Đại đức, không phải là tôi không tôn kính giới mà không hỏi ý nghĩa những vấn đề ấy nhưng vì sợ làm phiền Đức Thế Tôn, nên không hỏi. Trong vấn đề này, tôi không thấy mình phạm tội, nhưng vì kính trọng và tin tưởng Đại đức, nên tôi xin sám hối.

– Khi thầy vá y Tăng già lê cho Thế Tôn, thầy đã dùng chân đạp lên y, do đó, phạm tội Đột cát la…(nt).

– Thưa Đại đức, không phải là tôi không kính trọng Phật, nhưng vì lúc đó không có ai cầm y,nên tôi phải dùng chân đạp lên y để vá…(nt).

– Thầy đã ba lần cầu xin Thế Tôn cho phép nữ giới xuất gia trong chánh pháp, nên phạm tội Đột cát la…(nt).

– Thưa Đại đức, không phải là tôi không tôn kính pháp, nhưng vì bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề Cù Đàm Di từng nuôi dưỡng Thế Tôn đến trưởng thành, rồi Ngài đi xuất gia mà thành Chánh giác. Công ơn ấy cần phải báo đáp, nên tôi mới ba lần cầu thỉnh Thế Tôn cho phép nữ giới xuất gia…(nt).

– Khi Phật sắp nhập Niết bàn đã hiện tướng nói với Thầy rằng: Nếu người nào đạt được bốn thần túc, muốn giữ thọ mạng một kiếp hoặc hơn một kiếp đều có thể làm được, Đức Như Lai đã thành tựu vô lượng thiền định, và đã ba lần hiện tướng nói với thầy như thế mà thầy không cung thỉnh Phật trụ thế một kiếp, hoặc hơn một kiếp, nên phạm tội Đột cát la…(nt).

– Thưa Đại đức, không phải tôi không muốn thỉnh Phật trụ thế lâu dài, nhưng vì ác ma Ba Tuần che mờ tâm trí của tôi, nên tôi không thưa thỉnh… (nt).

– Ngày xưa, Phật đã ba lần nhờ thầy đi lấy nước cho Phật uống, mà rốt cuộc thầy không dâng nước cho Phật, nên phạm tội Đột cát la…(nt).

– Thưa Đại đức, không phải là tôi không dâng nước cho Phật, nhưng vì bấy giờ có 500 chiếc xe vừa đi qua phía trên dòng sông khiến cho nước đục sợ uống vào sinh bệnh, nên tôi không lấy nước cho Thế Tôn…(nt).

– Thầy đã cho phép nữ giới lễ Xá lợi Phật trước mọi người, nên phạm tội Đột cát la…(nt).

– Thưa Đại đức, không phải tôi muốn cho phép nữ giới lễ Xá lợi Phật trước nhưng vì trời sắp tối,họ vào thành không kịp, nên tôi mới cho phép…(nt).

Tiếp theo, đại hội cứu xét những giới nào có thể loại bỏ,tôn giả Ca Diếp trình bày: ” Nếu chúng ta xem chúng học pháp (những pháp cần phải học) là những giới nhỏ nhặt có thể loại bỏ thì các Tỳ kheo khác sẽ bảo: Bốn giới Ba la đề đề xá ni cũng là những giới nhỏ nhặt có thể loại bỏ. Nếu chúng ta bảo bốn giới Ba la đề đề xá ni là những giới nhỏ nhặt, thì các Tỳ kheo khác sẽ bảo: Các giới Ba dật đề cũng là những giới nhỏ nhặt v.v… giờ đây, chúng ta không thể khẳng định giới nào là giới nhỏ nhặt mà loại bỏ một cách tùy tiện thì bọn ngoại đạo sẽ bảo: “Pháp của sa môn Thích tử giống như mây khói, khi thầy còn sống thì những pháp do thầy chế định các đệ tử tuân thủ một cách nghiêm túc, nhưng sau khi thầy nhập Niết bàn, họ không chịu thực hành nữa”. Do vậy, Tôn giả Ca Diếp khẳng định lại: “Chúng ta đã kết tập giáo pháp hoàn tất. Từ nay trở đi những gì đức Phật không chế định thì không được tuỳ tịên chế định”[9].” Sau khi nghe trình bày, tất cả đại chúng đồng thanh nhất trí với lời tuyên bố của tôn giả Ca Diếp.

Lúc này trưởng lão Phú Lâu Na đang ở phương Nam, nghe Phật Niết bàn tại thành Câu Thi, và các trưởng lão Tỳ kheo đang kết tập Tỳ Ni pháp tạng tại thành Vương Xá, liền dẫn đồ chúng đến đó tham dự. Nhưng khi đến nơi, đại hội kết tập vừa xong.Do đó, trưởng lão yêu cầu đại hội đọc tụng lại một lần nữa để trưởng lão và đồ chúng cùng nghe. Đại hội đã hoan hỷ đáp ứng lời yêu cầu ấy.

Trong đại hội kết tập này, được các trưởng lão sau đây chủ trì:

  1. trưởng lão A Nhã Kiều Trần Như làm đệ nhất Thượng tọa
    2. Phú Lâu Na làm đệ nhị Thượng tọa
    3. Đàm Di làm đệ tam thượng tọa
    4. Đà Bà Ca Diếp làm đệ tứ Thượng tọa
    5. Bạt Đà Ca Diếp làm đệ ngũ Thượng tọa
    6. Đại Ca Diếp làm đệ lục Thượng tọa
    7. Ưu Ba Ly làm đệ thất Thượng tọa
    8. A Na Luật làm đệ bát Thượng tọa.

Vì cuộc kết tập này vừa đúng 500 vị La hán, không nhiều, không ít, nên được gọi là cuộc kết tập giáo pháp của 500 vị La hán

         + Luận tội Ngài Chanda (Xa Nặc):

Trước giờ thị tịch đức Phật để lại di huấn rằng: Tăng già cần phải hành tội phạm đàn đối với Chanda, để làm gương cho chúng Tỳ Kheo. Lý do Chanda cho rằng mình là người có công với đức Phật, cho nên ông ta toả ra cực kỳ kiêu ngạo, xem thường tất cả chúng tăng, từ nhỏ đến lớn trong tăng đoàn. Hình thức là phải cắt đứt mọi quan hệ với Chanda, khi nghe quyết định sự trừng phạt của Tăng chúng, nên Chanda rất buồn rầu đau khổ, hối hận với việc làm của mình. Nhờ vậy Chanda lập tức loại bỏ mọi lỗi lầm của tự thân và chứng đắc A-la-hán. Do đó quyết định trừng phạt mất tính hiệu lực.

         II.5 Kết quả

Sau kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, hai tạng kinh và luật được thành lập. Lúc bấy giờ chưa có chữ viết, nên luận tạng chưa ra đời.

Phần cuối của đại hội lần thứ nhất là việc luận tội tôn giả Ànanda và chanda (Sa Nặc). Tôn giả Ànan thì bị tôn giả Ca Diếp quở trách nhiều tội nhưng Anan đã nêu lên những lý do chính đáng về các tội ấy hầu mong mọi người hiểu và thông cảm cho Ngài. Còn Sa Nặc cũng bị khiển trách về tội đã ỷ lại vào công lớn đưa đức Phật trong đêm vượt thành xuất gia và trịch thượng xem thường tất cả mọi người trong tăng đoàn. Sau khi bị phạt tâm ngài ăn năn hối lỗi nên được thanh tịnh và ngài cũng chứng đắc thánh quả A La Hán. Kết quả cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất này được thành công là nhờ sự hòa hợp của Tăng đoàn cùng với tinh thần bảo vệ chánh pháp của đức Thế Tôn.

 

CHƯƠNG III: NGUYÊN NHÂN, KẾT QUẢ VÀ TIẾN TRÌNH KẾT TẬP KINH ĐIỂN LẦN THỨ HAI

III.1 NGUYÊN NHÂN:

Sau đức Thế Tôn diệt độ khoảng 100 năm, tại thành Phệ Xá Ly (Vesali) có 700 vị Tỷ khưu hội họp lại để kết tập kinh điển lần thứ hai. Theo truyền thống luật tạng, nguyên nhân của kỳ kết tập lần thứ hai liên quan đến giá trị pháp lý của mười điều luật (thập phi pháp sự) do các tỷ kheo người Bạt Kỳ (Vajji) thuộc thành Tỳ Xá Ly (Vesali), đề xướng ra mười điều luật mới và chủ trương là thích hợp với giới luật của Tỳ kheo. Mười điều luật ấy như sau :

  1. Diêm Tịnh (Singlilonakappa): căn cứ vào giới luật các tỳ khưu không được để đồ ăn cách đêm. Nghĩa là các thứ đồ ăn phổ thông, không được để đến ngày hôm sau rồi lại ăn, nhưng nếu đồ ăn đó đem ướp với muối thì vẫn có thể được dùng ở ngày hôm sau.
  2. Chỉ Tịnh “ Dvangulakappa” về bửa ăn của Tỷ khưu, là ở lúc chính ngọ nhưng nếu lúc đang đi giữa đường, thì bữa ăn có thể được dùng ở quá giờ ngọ một chút, nghĩa là lúc mặt trời đã xuế bóng chừng độ hai chủ( mỗi chủ: một thước năm tấc ta).
  3. Tụ Lạc Gian Tịnh ( Gamantarapappa) Tỷ khưu sau khi ăn rồi, nhưng nếu ở trước giờ ngọ, tới chốn tụ lạc khác, xin được thức ăn, vẫn có thể thọ dụng.
  4. Trụ xứ tịnh ( Avasakappa) một tháng hai kỳ các Tỷ khưu phải tụ tập ở một trụ xứ nào đó để làm lễ bố tát, nếu trụ xứ quá hẹp có thể được phân chia làm hai nơi để làm lễ bố tát
  5. Tùy ý tịnh ( Anumatikappa) quyết nghị của đoàn thể xuất gia cần phải toàn viên tận tập để giải quyết, nhưng nếu gặp trường hợp khôngthể xuất tịch được, sau khi giáo đoàn quyết nghị, sẽ có thể đem quyết nghị đó thông cáo sao
  6. Cửu trụ tịnh (acinnakappa) có thể noi theo tiền lệ, nghĩa là noi theo những thể lệ của người trước đã làm.
  7. Sinh hòa hợp tịnh ( Amathitakappa) sau giờ ngọ, các tỷ khưu không được ăn phi thời nhưng có thể dùng nước hòa lẫn với sữa, không cần phải để sửa lắng xuống .
  8. Bất ích lũ ni sư đàn tịnh ( Adasakanisi danakappa) tọa cụ của tỷ khưu, kích thước bề dài bề rộng phải theo đúng như quy định trong giới luật nhưng nếu làm tọa cụ không có viền xung quanh có thể được dùng quá khuôn khổ đã định .
  9. Thủy tịnh (Jalogikappa) tỷ khưu không được uống rượu, nhưng vì trường hợp bịnh hoạn, dùng để làm thuốc, có thể pha lẫn với nước để uống .
  10. Kim tiền tịnh (Jatarapadikappa) tỷ khưu vốn chỉ không được cầm tiền nhưng nếu ở trường hợp bất đắc dĩ có thể được cầm tiền bạc, và súc tích tiền bạc[10]

III.2  Thời Gian, Địa Điểm và Số Lượng Tham Dự 

+ Thời gian: Theo truyền thống Phật Giáo thuộc Nam truyền, kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai được diễn ra 100 năm sau khi đức Phật nhập Niết Bàn. Nhưng theo tinh thần Phật Giáo Bắc truyền thì 110 năm sau khi đức Phật nhập niết Bàn, dưới triều đại vua Kalasok. Trong cuộc kết tập gồm tất cả Tăng chúng ở hai phía Đông và Tây, nhưng trong lúc hội nghị vì sinh nhiều ý kiến bất đồng không thể giải quyết ngay được, nên Trưởng lão Ly Bà Đa đề nghị bạch nhị yết ma đề cử một đại dịên để chủ trì cuộc họp và quyết đoán sự vịêc. Theo tài liệu của Ngài Thích Thanh Kiểm, bốn vị trưởng lão ở phía tây: Ly Bà Đa (Ravata), Tam Phù Đà (Sambhùta), Da Xá (Yasa) và Tu Ma Na (Sumana). Bốn vị ở phương đông: Tát Bà Ca Ma (Sabbakàmì), Sa Lưu (Sàtha), Khuất Xà Tu Tỳ Đa (Khujjasobhita), Bà Tát Bà Già Mi (Vàsabhagàmi).[11]

+ Địa điểm: kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai được diễn ra tại thành Tỳ-xá-ly (vasali), tại thành Tỳ-Xá-Ly có rất nhiều sự kịên xảy ra. Cũng chính nơi đây là nơi thành lập Ni đoàn, chuyện đức Phật hoá độ cô kỹ nữ Amrabali và cũng chính nơi đây đức Phật chấp nhận lời thỉnh cầu của ma vương mà vào Niết Bàn trước khi Ngài đến Câu Thi Na thành để bỏ lại thân xác vô thường. Và sau thời kỳ đức Phật nhập Niết Bàn 100 năm cũng tại nơi đây đã diễn ra kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai.

+ Số lượng tham dự: Tất cả các sử liệu đều thống nhất thành viên tham dự  trong lần kết tập thứ hai gồm 700 vị. Cần lưu ý rằng, theo Nalinaksha Dutt, không phải tất cả thành viên của hội nghị là A-la-hán, mà còn bao gồm một số Tỳ Kheo, cư sĩ có học thức uyên bác.[12]

 

III.3 TIẾN TRÌNH KẾT TẬP LẦN HAI

Theo truyền thống Phật giáo thế giới kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai được tổ chức tại thành Tỳ Xá Ly cách 100 năm sau khi Phật nhập diệt dưới triều đại vua kalasoka. Theo tiểu sử, các vị tỳ kheo tại thành Tỳ Xá Ly đề ra 10 điều như trên, thọ nhận vàng bạc do thập phương thiện tín cúng dường là vấn đề nghiêm trọng và gây tranh cãi nhiều nhất. Trong khoảng thời gian các tỷ kheo Vajji áp dụng các điều luật này, tôn giả Yasa, con trai của Bà la môn kàkandaka, đến Vesali và tạm trú tại Màhàvana trên ngọn đồi kùtàgàra. Một hôm trưởng lão yasa ở trên giảng đường Trùng Các, bên dòng sông Di Hầu thấy những vị tỳ kheo Bạt Kỳ đang thực hành mười điều phi pháp, nên Ngài có lời khuyên răn “ các thầy chớ bày ra cái trò xin bố thí như vậy. Chính tai tôi từng nghe Phật dạy: người cầu xin bố thí phi pháp và người cầu bố thí cho kẻ xin phi pháp, cả hai đều có tội”[13]. Sau những lời khuyên ấy cũng không làm thay đổi ý định của nhóm tỳ kheo Bạt Kỳ, kể từ lúc ấy hai bên nảy sinh ý tưởng trái ngược nhau. Nhóm Bạt Kỳ tìm cách buộc tội Yasa nhưng Ngài khẳng định mình vô tội nên không có lý do gì mà phải sám hối. Các tỳ kheo Bạt Kỳ tập họp lại, định làm yết ma kết tội Yasa ngoan cố không nhận tội. Thấy tình thế gay cấn, Yasa liền dùng thần thông bay đến nước Ba Tuần. Trên đường đi Ngài gặp sáu mươi Tỳ kheo đã đắc tam minh, lục thông, đều là đệ tử của Anan, Yasa liền yêu cầu họ hợp sức để diệt trừ mười điều phi pháp, đồng thời Ngài tiếp tục vận động thêm một nhóm tỳ kheo khác, trong đó có trưởng lão Ly Bà Đa là người đã đạt được từ tâm tam muội, có đông đảo đồ chúng ở tại thành Câu Xá Di. Bên cạnh đó còn có các vị tỳ kheo Nhất Thiết Khứ là vị thượng tọa có uy vọng nhất trong hàng sa môn Thích tử ở cõi Diêm phù đề. Sau khi tập họp tăng chúng đông đảo thì cuộc họp được mở ra, lúc bấy giờ Ly Bà Đa hỏi thượng tọa nhất thiết khứ ở điểm thứ nhất: “ muối để cách đêm có được phép dùng không ?”

Nhất Thiết Khứ đáp: “ không được dùng”

-Phật chế định điều này ở tại nơi nào?

-Tại thành Vương Xá.

-Do ai mà chế?

-Do một tỳ kheo ở nơi A Lan Nhã.

-Phạm về việc gì?

-Phạm về việc dùng thức ăn để cách đêm, thuộc tội Ba Dật Đề.[14]

Và cứ như thế, Ly Bà Đa hỏi, Nhất Thiết Khứ đáp, cho đến khi kết thúc mười điều phi pháp. Sau cuộc chất vấn, Ly Bà Đa kết luận đó là pháp, đó là luật, đó là lời Phật dạy, các điều Tỳ kheo Bạt Kỳ làm là phi pháp.

 

III.4 KẾT QUẢ

Sau khi cuộc đại hội kết thúc, mọi người đều nhất trí rằng mười điều đó là mười điều phi pháp.

Theo Dìpavamsa ( Đảo sử) thì có 10.000 vị tỳ kheo không phục tùng nghị quyết về mười điều kể trên là phi pháp nên cũng hội họp lại một nơi khác để kết tập kinh điển gọi là đại kết tập ( Mahasamgiti). Vì nguyên nhân trên, nên giáo đoàn Phật giáo phân chia thành hai bộ phái là Thượng tọa bộ ( Thera) thuộc bộ phái bảo thủ và Đại chúng bộ ( Mahasamgiti) thuộc bộ phái Cách Tân.

 

CHƯƠNG IV: KẾT TẬP KINH ĐIỂN LẦN THỨ BA

         IV.1. Nguyên nhân

Theo sử liệu của Ngài Thích Tâm Minh, tám năm sau khi lên ngôi, tức 262 trước công nguyên, Asoka từ một con người khét tiếng tàn bạo (Candàsoka) chuyển hẳn qua một con người đầy nhân từ (Dhammàsoka), sự kiện này hẳn đã tạo ra không ít các truyền thuyết và huyền thoại về một ông vua đầy quyền lực nhưng giàu lòng nhân ái như Asoka.[15] Nhờ thiện duyên, vua gặp được Tỳ Kheo Câu Luật, cháu trai vua A Dục (Nigrodha Samanera). Cuộc gặp gỡ này đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho lịch sử Phật giáo, vua đã thật sự vui mừng chấp nhận Phật giáo là tôn giáo của chính mình và cho cả quốc gia.

         Vua A Dục sau khi lên ngôi tám năm, trở thành đệ tử tại gia tín thành của Phật giáo, khi  quy y đạo Phật vua đã nhận chân được giá trị và ý nghĩa của cuộc sống. Với lòng mộ đạo và ủng hộ mạnh mẽ của Asoka đối với Phật giáo, Tăng đoàn ngày càng đông đảo, nhiều tự vịên được xây cất sửa sang, tài sản của các tu viện tăng không ngừng, đời sống trở nên sung mãn và dư dật. Với lợi dưỡng như vậy đã thu hút một số tu sĩ ngoại đạo gia nhập vào Tăng đoàn, họ đã trở thành tu sĩ Phật giáo chỉ vì cuộc sống tịên lợi và thoải mái về phương dịên vật chất, nhưng bên trong tâm vẫn hướng về tư tưởng ngoại đạo nên đã gây ra nhiều mối phân tranh. Mặt khác nhiều người vì lợi dưỡng mà xuất gia đầu Phật, điều này đã làm cho các bậc Trưởng lão chân chính của Phật giáo thật sự lo lắng đến sự trường tồn của đạo Phật. Số lượng tu sĩ ngoại đạo và Tỷ Kheo phạm giới ngày càng nhiều. Kết quả nghiêm trọng của sự kiện này là trong bảy năm không có một tu vịên Phật giáo nào tổ chức lễ Bố Tát (Uposatha).

Khi biết sự thiếu sót của và xao lãng của các Tỳ Kheo, vua vô cùng thất vọng và rất lo ngại cho tiền đồ Phật pháp. Để xác định lại những lời dạy của Đức Thế Tôn, vua liền sai sứ giả đến các tu viện, thỉnh cầu chư Tăng tổ chức lễ Uposattha, nhưng người sứ giả đã hiểu lầm thiện ý của vua, ra lệnh giết một số Tỷ Kheo không tuân hành. Khi hay tin với tâm trạng thật sự bối rối, vua sai sứ đến núi Ahoganga triệu thỉnh Ngài Moggalipputta Tissaa, theo kiến giải của Trưởng lão Moggaliputta Tissa, nhà vua không có tội vì vua không có chủ ý. Câu trả lời đúng chánh pháp ấy đã làm cho nhà vua hết sức phấn khởi, mọi người thoả mãn, đồng thời giúp Tăng chúng đi ra khỏi việc tranh cãi, bất hoà vì sự kiện trên. Bên cạnh đó Ngài Moggaliputta Tissa vâng sắc lệnh nhà vua triệu tập các Tỳ Kheo mở cuộc kết tập kinh điển lần thứ ba, nhằm củng cố lại giới luật và củng cố lại nội bộ trong Tăng đoàn.

IV.2. Thời gian, địa điểm, thành phần tham dự

Thời gian: kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba diễn ra vào khoảng hơn 200 năm sau khi đức Phật nhập Niết Bàn dưới triều đại Maurya (Khổng Tước) thời vua A Dục (Asoka).

Địa điểm: đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba diễn ra tại Hoa Thị Thành (Pataliputra), còn được gọi là “Thành phố hoa”, nay là Patna thủ phủ của bang Bihar.

Thành phần tham dự: vua triệu tập tất cả các Tăng sĩ lại và đã chọn lọc, cuối cùng chọn ra 1000 vị Tỳ Kheo tinh thông kinh luật và biên soạn lời dạy chân chính của đức Phật để tham dự kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba.

IV.3 Người Bảo Trợ Cuộc Kết Tập:

Hoàng đế A Dục (sinh khoảng năm 350 trước Tây lịch).Vua A Dục ra đời khoảng 200 năm sau Phật Niết Bàn, tức khoảng 340 năm trước Tây lịch. Lúc ông còn trẻ vốn tính tình hung bạo, nên không được phụ vương yêu thích, do đó ông bị đưa đi trấn nhậm một vùng đất xa xôi. Đến khi phụ vương băng hà, ông liền đem quân về triều, giết người anh cả là Hoàng thái tử Tu Ma Na (Sumara) và tất cả những người anh em khác, chỉ để lại người em cùng mẹ là Túc Đại Đa (còn gọi là Đế Tu) rồi lên ngôi vua. Sau khi tức vị, trong khoảng 3 năm đầu, nhà vua chỉ phụng sự ngoại đạo, theo truyền thống của tiên vương để lại.Đến năm thứ ba, nhân trông thấy một Sa di tên Nê Cù Đà (Nigrodha) oai nghi tề chỉnh, tướng mạo đoan trang, nên vua phát tâm tín kính Phật pháp.

Vị Sa di này chính là con của Tu Ma Na khi vua sát hại các người anh em trong hoàng tộc, thì người chị dâu, vợ Tu Ma Na, đang mang thai, trốn được.Sau đó bà sinh ra Nê Cù Đà.Lúc Nê Cù Đà lên 7 tuổi, thì được A la hán Bà Lưu Na (Mahàvaruna) độ cho xuất gia làm Sa di. Chuyện kể rằng, lúc Bổn sư thế phát, tóc rơi chưa tới đất thì Nê Cù Đà đã đắc quả La hán. Vị Sa di này, trong một tiền kiếp xa xưa, vốn là anh của A Dục. Hai anh em cùng mộ đạo tu hành, tạo nhiều công đức. Do nhân duyên ấy nên khi vừa thấy ông, vua A Dục đã có thiện cảm ngay tức khắc. Hơn nữa, nhờ đã gieo trồng phước đức trong quá khứ, nên nhà vua dễ dàng kính tín Tam bảo, và phát tâm cúng dường Tăng chúng một cách nhiệt thành. Số người nhận được sự cúng dường của Vua lên đến 6 vạn người trong mỗi ngày. Đồng thời, vua cho xây cất 84.000 ngôi già lam, và kiến tạo 84.000 ngôi bảo tháp trong khắp quốc độ, cũng như tại các nước chư hầu xung quanh.

Khi các ngôi bảo tháp và tự viện hoàn thành, nhà vua mở tiệc khánh hạ, cúng dường rộng rãi chư Tăng. Nhân thấy oai nghi tề chỉnh và đạo hạnh thanh cao của Thánh chúng, nhà vua càng thêm tin tưởng Phật pháp nhiệm mầu. Do đó, vua cho một người con trai là Ma Sẩn Đà (Mahinda) và một người con gái tên là Tăng Già Mật Đa (Sanghamitta) cùng xuất gia một lúc.Ma Sẩn Đà bấy giờ đúng 20 tuổi.Hòa thượng Bổn sư của Thầy là Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Moggaliputta – tissa) và Tăng Già Mật Đa vừa 18 tuổi, Hòa thượng Bổn sư của cô là Đàm Ma Ba La (Dhammapàli). Theo sử liệu của Ngài Thích Tâm Minh, tám năm sau khi lên ngôi, tức 262 trước công nguyên, Asoka từ một con người khét tiếng tàn bạo (Candàsoka) chuyển hẳn qua một con người đầy nhân từ (Dhammàsoka), sự kiện này hẳn đã tạo ra không ít các truyền thuyết và huyền thoại về một ông vua đầy quyền lực nhưng giàu lòng nhân ái như Asoka.[16]

Tóm lại, đối với Phật giáo, vua Asoka có bốn cống hiến rất lớn: “một là cho dựng năm trụ đá lớn ghi dấu năm thắng tích có liên quan tới Thích Ca Mâu Ni. Hai là đã tạo ra 84.000 ngôi bảo tháp để hoằng dương phật giáo khắp lãnh thổ rộng lớn của mình. Ba là, tổ chức cho nhiều vị tỳ khưu  đi truyền đạo ở nhiều quốc gia khác nhau. Bốn là chủ xướng và góp phần quan trọng nhất cho cuộc đại kết tập lần thứ ba của lịch sử Phật giáo”[17].

IV.4 Tiến trình kết tập 

Hội Ðồng Kiết Tập Thứ Ba được tổ chức tại Pàtaliputta (nay là Patna) vào năm 253 trước CN dưới sự bảo trợ của vị Ðại Ðế Phật tử của Ấn Ðộ, Asoka Moriya (Skt. Asoka Maurya). Hội đồng này gồm cả ngàn Tỳ-kheo do Trưởng lão Moggaliputta Tissa chủ tọa. Trong chín tháng làm việc, hội đồng một lần nữa lại tổng duyệt Kinh Ðiển của Thượng Tọa Bộ và thêm vào hai tạng Kinh và Luật hiện hành một tác phẩm thứ ba có tính chất lý luận học thuật. Cùng với sự bổ sung một số tác phẩm mang tính học thuật khác nữa trong vòng hai thế kỷ kế tiếp đó, cuối cùng xuất hiện một bộ sách thứ ba được mệnh danh Luận A-tỳ-đàm hay Thắng Pháp (Abhdhamma). Ba bộ thánh điển được đặt tên là “tạng” hay giỏ (pitaka), và vì thế Kinh Ðiển Pàli thường được gọi là Tam Tạng (Tipitaka).

Chính nhờ sự nghiệp hoằng pháp thành công viên mãn của Ðại Ðế Asoka (vị vua ngự trị độc tôn từ 269 – 232 trước CN), mà Tam Tạng Pàli được bảo tồn cho đến thời đại chúng ta. Chính Ðại Ðế Asoka phái hoàng tử Mahinda đi giáo hóa đảo quốc Ceylon (Sri Lanka) theo đạo Phật, nên Ngài bảo đảm cho Phật pháp an trú trong ngôi nhà tiếp tục tồn tại vượt qua bao cơn khủng hoảng lịch sử. Tại các tinh xá trên đảo quốc này, Kinh Tạng Pàli được bảo trì trong tâm trí chư Tỳ-kheo cho đến thế kỷ thứ nhất trước CN, chư vị viết Kinh Ðiển lên các lá bối-đa khô

Ngôi tinh xá xây bằng đá tảng Aluvihàra (P. Àlokavihàra), nơi công trình bối biên này đã được hoàn thành, hiện nằm cách Matale 3km về phía bắc. Người du khách đến Sri Lanka bằng xe hơi từ Kandy lên phía bắc, sau khi đi ngang qua Matale, sẽ không khỏi đưa mắt sang bên trái nhìn về những tảng đá vĩ đại của tinh xá Aluvihàra với niềm thành kính tri ân ngôi cổ tự, nơi mà Giáo Pháp có giá trị bất biến vượt thời gian của đấng Giác Ngộ đã được ghi chép thành văn cách đây hai ngàn năm trước.

 

 

IV.5   Kết Quả

Trải qua chính tháng làm việc, trưởng lão Tissa và hội đồng tỷ kheo đã kết tập hoàn tất tam tạng kinh điển (Tipitaka ). Trong đại hội này ngài Tissa đã trình bày và biên soạn bộ luận Kathàvatthu – pakarana với mục đích chỉ ra tất cả quan điểm sai lầm của ngoại đạo và lọai chúng ra khỏi hệ thống giáo lý Phật giáo. Vua A Dục đã cho khắc vào bản đồng đủ cả ba tạng kinh điển và xây bảo tháp cất giữ.  Kỳ kết tập nầy do trưởng lão Mục Kiền Liên Tử Đế Tu làm chủ tọa, 999 vị Tỳ kheo A la hán tham dự, nên gọi là cuộc kết tập của 1000 vị La hán.

Vua Asoka là một vị vua có nhiều công lớn với Phật giáo trong kỳ kết tập kinh điển  lần thứ ba. Một trong những thành quả có ý nghĩa nhất của kỳ kết tập này là việc gởi các phái đoàn Tỳ Kheo đi khắp đất nước Ấn Độ và nhiều quốc gia thuộc lãnh thổ châu Á, châu Phi và châu Âu. Cụ thể nhất, vua đã phái hai người con của mình, Tỳ kheo Mahinda và Tỳ Kheo Ni Sanghamitta, sang Tích Lan để truyền đạo, đã cảm hoá toàn thể nhân dân của đảo quố này quy y Phật, biến quốc gia này trở nên thành trì vững chắc của phật giáo, duy trì tam tạng kinh điển của truyền thống Thượng Toạ bộ từ thời điểm đó cho đến tận ngày hôm nay.

Chính nhờ sự hoạt động đóng góp to lớn của vua Asoka đối với Phật giáo, bằng cách phái những đoàn truyền bá đi khắp nơi, mà ngày nay Phật giáo đã trở thành tôn giáo mang tính toàn cầu, để lại những dấu son trong các nền văn hoá mà Phật giáo từng du nhập và hiện hữu

 

CHƯƠNGV: Giá Trị Thiết Thực đối với ba kỳ Kết Tập Kinh Điển

Đối với cuộc kết tập lần thứ nhất, sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, Tăng đoàn lúc bấy giờ ít nhiều cũng bị dao động về mặt tinh thần. Chính vì thế sự trùng tuyên những lời dạy của Thế Tôn vô cùng cần thiết đối với tăng chúng. Nếu không có sự trùng tuyên những lời dạy của đức Phật thì tăng chúng dễ bị tan rã, bởi vì mỗi người có một quan niệm và ý nghĩ riêng biệt không thống nhất và như vậy thì sự đoàn kết bị mất đi, ngoại đạo sẽ xâm nhập làm cho giáo pháp dễ bị mai một. Mặc dù chỉ hợp tụng chưa có chữ viết. Nhưng đã đề cao tinh thần kính Phật trọng pháp và cộng thêm ý chí nghị lực phi thường của các vị Thánh tăng thời bấy giờ. Chẳng những cuôc kết tập có giá thời ấy mà còn vô cùng quan trọng đối với người học phật ngày nay và là nền tảng cho các kỳ kết tập sau.

Song song với việc kết tập kinh điển đầu tiên thì việc kết tập kinh điển lần hai cũng không kém phần quan trọng. Vì lần kết tập này là một dấu ngoặc lớn trong lịch sử về việc xuất hiện hai bộ phái của Phật giáo. Đó là Thượng tọa bộ (Thera) thuộc phái bảo thủ chủ trương lấy giới luật làm đầu và giữ gìn các đường lối sinh hoạt, tu tập và hoằng pháp trước đó; Đại chúng bộ (Mhasagika) thuộc phái cách tân, có phương hướng cải cách và tiến bộ trong đời sống tu hành và độ sanh. Tuy có sự khác nhau trong quan điểm nhận thức về giáo pháp nhưng cả hai đều cùng chung lý tưởng dìu dắt chúng sanh đến quả vị an lạc, giải thoát. Tinh thần Phật giáo lúc bấy giờ tuy có chút ít khác nhau về giới luật, vì thế chúng ta phải biết “ tùy duyên mà bất biến, bất biến mà vẫn tùy duyên” chúng ta có thể linh động áp dụng giới luật sao cho tốt nhất để đạt đến mục đích giải thoát, nhưng phải thận trọng trong việc đề xuất những quy định mới, và nhất là không nên tùy tiện sửa đổi giới luật của Phật.

Các pháp hữu vi trên thế gian này đều bị định luật vô thường chi phối, không có gì đứng mãi một chỗ xã hội cũng thế sẽ có những chuyển biến biến cùng thời gian. Phật giáo cũng thế, tuỳ vào quốc độ địa phương mà có những chuyển biến cho phù hợp nhưng vẫn giữ cái cốt lõi của giáo pháp. Cũng thế dù xã hội ngày càng văn minh, phát triển đến đâu nhưng người con phật với sự hành trì giáo pháp thì chánh pháp vẫn mãi tồn tại. Nếu không có giáo pháp của đức Phật thì tăng chúng sẽ bị sa ngã vào vòng xoáy của lợi danh và như thế đạo phật sẽ phai tàn và mất hẳn. Qua sự trình bày trên, ta thấy rõ sư kết tập kinh điển đối với Phật giáo trong mọi thời đại vô cùng quan trọng. Thế nên, nhiệm vụ tăng ni trẻ chúng ta ngày nay nhìn lại những trang sử của Phật giáo soi sáng lại hiện thực để chúng ta nổ lực hành trì giáo pháp.                                        

 

 CHƯƠNGVI:  KẾT LUẬN

Còn đâu nữa hình ảnh chiếc y vàng rực rỡ oai nghiêm mỗi sáng chầm chậm đi vào làng khất thực. Còn đâu nữa pháp âm vi diệu tại hội linh sơn hay rừng trúc. Còn đâu nữa những pháp hội trầm hùng làm chấn động cả tam thiên. Dù hình bóng Phật và Tăng đoàn ngày xưa không còn nữ nhưng nhờ vào tam tạng kinh điển mà lời dạy của Ngài vẫn mãi tồn động trong tâm khảm người đệ tử với niềm tôn kính vô biên

Lật lại từng trang kinh sử chúng ta không khỏi bùi ngùi xúc động khi đọc lại những lời dạy tha thiết ân cần như người mẹ hiền răn dạy con thơ. Người mẹ cần cù chịu thương chịu khó, dùng chất liệu tình thương mà nuôi con khôn lớn. Phật chính là đức mẹ từ bi. Suốt bốn mươi chín năm, Ngài không từ mệt nhọc mà giảng dạy giáo pháp cho hàng đệ tử và những lời dạy ấy được kết tập lại thành tam tạng kinh điển do các vị đại thánh tăng đã trùng tuyên lại.

Xã hội hôm nay văn minh tiến bộ, phương tiện vật chất đầy đủ như truyền thông, viễn thông nối mạng Internet dầy đặc, tạo cho con người có cuộc sống thoải mái hạnh phúc. Nhưng chính trong cuộc sống đó, chúng ta cũng chứng kiến không ít những thảm cảnh đau lòng và những biểu hiện đáng lo ngại. Tình trạng suy giảm đạo đức và bạo lực gia tăng đáng kể, chiến tranh khủng bố diễn ra liên miên giữa các quốc gia và khối chủ nghĩa. Ngoài ra con người còn phải chịu những thiên tai do thiên nhiên gây ra như lũ lụt, động đất, bão tố… xảy ra hầu như khắp nơi trên thế giới. Trước thảm trạng đó con người cảm thấy hình như bất lực trước số phận đau thương của chính mình. Lúc bấy giờ chỉ có chánh pháp của đức Phật là ngọn đuốc phá tan màn đêm đau khổ bao phủ con người vì giáo pháp của Phật có công năng đưa con người đến chân trời hạnh phúc an vui, cũng như giúp cho hành giả tìm lại chính mình sau những giây phút tìm kiếm dong duỗi vô định của dòng thác vật chất, tạo nên những cảm giác an tịnh. Từ đó mọi khổ đau, phiền não được xoa diụ và đoạn tân mọi vô minh tham ái. Thế nên giáo pháp của đức Phật đối với chúng sanh vô cùng cần thiết vì đây là chiếc thuyền đưa người vượt khỏi sông mê đến bờ giải thoát. Tăng ni trẻ ngày nay là người thừa hưởng giáo pháp ấy, chúng ta phải biết ơn và nhớ ơn những vị tiền bối đã dày công kết tập và lưu giữ cho thế hệ hậu lai ngày nay. Mặt khác chúng ta phải cố gắng tinh tấn tu hành trong từng phút giây, từng giờ…phải thực hành đúng như lời Phật dạy, không dám chểnh mảng nghi ngờ về giới luật ngõ hầu đền đáp công ơn trong muôn một “ tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”. Có như thế, chúng ta mới tin chắc rằng đã đi đúng đường mà Chư Phật và Bồ Tát đã đi.

Bổn phận của người học Phật hôm nay là nối thừa tiếp đuốc tiền đồ của Phật pháp, thay thế cho những bậc tôn túc để duy trì chánh pháp ở thế gian. Chúng ta không sao tránh khỏi những thao thức băn khoăn trăn trở về sự tu học thế nàoxứng là thích tử đức Như Lai, để xứng đáng với tư cách của mình làm nghi biểu cho đời, làm ngọn đuốc sáng cho thế hệ mai sau, cho đúng với lời cổ đức dạy:

“ Ở chốn trần gian chẳng nhiễm trần

Chuyên cần trì giới luyện thân tâm

Lo tu lắng định lòng mình trước

Đuốc tuệ soi đường rọi thế gian”.

THƯ MỤC THAM KHẢO

™{˜

 

1/Kinh Trường Bộ , tập I, Thích Minh Châu, Thành Phố Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991

2/  Tiểu Phẩm II. Tỳ Khưu INDACANDA(dịch), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội, 2005

3/  Thích Tâm Minh. A Dục Vương Cuộc Đời Và Sự Nghiệp, Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2004

4/  Viên Trí. Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận, , viện nghiên cứu Phật Học Việt Nam, nhà xuất bản Phương Đông 2006

5/  Tổ Sư Minh Đăng Quang. Chơn Lý Luật Nghi Khất Sĩ , Thành Phố Hồ chí Minh, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2004

6/ Nguyễn Khắc Thuần, Đại Cương Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam ( tập II), Thành Phố Hồ Chí Minh: nhà xuất bản Giáo Duc 2002

7/Phước Tú (biên soạn), Lịch Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Thành Phố Hồ Chí Minh, Giác Thiên, 2003

8/  Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm. Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ, Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản , Thành Phố Hồ Chí Minh, 1995

9/Tâm Hạnh (tập hành), Pháp Thức Và Ý Nghĩa Hành Trì Giới Luật, TPHCM, Nhà Xuất Bản Phương Đông

10/  Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Ban Hoằng Pháp Trung Ương. Phật Học Cơ Bản II, Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh 2002

11/  Trích tài liệu Thầy Nguyên Sỹ

 

 

[1] Kinh Trường Bộ , tập I, Thích Minh Châu, Thành Phố Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991, trang 584

[2] Viên Trí. Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận, , viện nghiên cứu Phật Học Việt Nam, nhà xuất bản Phương Đông 2006, trang 146

[3] Phước Tú (biên soạn), Lịch Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Thành Phố Hồ Chí Minh, Giác Thiên ,2003 trang 152

[4] Tổ Sư Minh Đăng Quang. Chơn Lý Luật Nghi Khất Sĩ , Thành Phố Hồ chí Minh, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2004, trang 244

[5] Viên Trí . Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, nhà xuất bản Phương Đông, 2006, trang 152.

[6] Tiểu Phẩm II. Tỳ Khưu INDACANDA(dịch), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội, 2005, trang natural anabolic steroids masteron prescription 569

[7] Tiểu Phẩm II. Tỳ Khưu INDACANDA(dịch), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội, 2005, trang 569

[8] Trích tài liệu Thầy Nguyên Sỹ

[9] Tâm Hạnh (tập hành), Pháp Thức Và Ý Nghĩa Hành Trì Giới Luật, TPHCM, Nhà Xuất Bản Phương Đông, trang 23

[10] Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm. Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ, Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản , Thành Phố Hồ Chí Minh, 1995, trang 84

[11] Hoà Thượng Thích Thanh Kiểm, Lược Sử Phật Giáo ấn Độ, TPHCM, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh, 1995, trang 87

[12] Viên Trí, Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận, TPHCM, Nhà Xuất Bản Phương Đông, 2006, trang 166

[13] Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Ban Hoằng Pháp Trung Ương. Phật Học Cơ Bản II, Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh 2002, trang 236

[14]Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Ban Hoằng Pháp Trung Ương. Phật Học Cơ Bản II, Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh 2002, trang 243

[15]Thích Tâm Minh. A Dục Vương Cuộc Đời Và Sự Nghiệp, Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2004 trang 45

[16] Thích Tâm Minh, A Dục Vương Cuộc Đời Và Sự Nghiệp, TPHCM, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2004, trang 45

[17] Nguyễn Khắc Thuần, Đại Cương Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam ( tập II), Thành Phố Hồ Chí Minh: nhà xuất bản Giáo Duc 2002,  trang 60

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *