- Địa điểm.
Chùa Pháp Thạnh hiện tọa lạc tại số 69/8 đội 3, ấp 2 -xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Mặt tiền chánh điện hướng Tây Nam 2150. Do hòa thượng Thích Đạt Lý thành lập trên phần đất gia đình phát tâm hiến cúng. Hòa thượng Thích Đạt Lý húy Pháp Tu, thuộc giòng Thiên Thai Giáo Quán Tông đời thứ 22, thế danh Hồ Văn Đàn, sinh 1883, là một vị tu hành chân chánh, có tiếng đạo hạnh cao thâm đặc biệt rất từ bi, Hòa thượng viên tịch ngày 06 tháng 06 năm 1970 (Canh Tuất), trụ thế 87 năm.
Hòa thượng xuất gia tu học với hòa thượng Thích Liễu Lạc (chùa Pháp Minh, ấp Giồng lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức hòa, tỉnh Long an) được khoảng thời gian. Sau đó Ngài xin thầy cho đi du học ở Trung Quốc. Sau khi học xong hòa thượng quay về hoằng dương Phật Pháp tại vùng quê nhà làng Hựu Thạnh (nay là xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long an). Năm 1932 Ngài thành lập Minh Thạnh Tự để tu học và truyền bá phật pháp. Thuở ban đầu Chùa được thành lập và xây dựng bằng sườn gỗ kê tán, mái lợp ngói âm dương, vách tường bê-tông theo kiểu bán kiên cố. Sau này để phù hợp với tông Thiên thai, Sư đệ Ngài là hòa thượng Thích Đạt Hảo đã dùng chữ “Pháp” thay cho chữ “Minh” cho nên, tên gọi Chùa Pháp Thạnh đã có bắt từ đây cho đến ngày nay.
– Đời thứ 2: Sư cô Thích nữ Đạt Ninh, thế danh Hồ Thị Nhẫn, sinh năm 1915, tịch ngày 24 tháng 04 năm 1994 (Giáp Tuất) trụ thế 79 năm.
Tiếp nối Ngài trông coi và gìn giữ, thân là nữ nhi đất nước lại mới hòa bình dân chúng còn nghèo nàn. Cho nên sư cô đã tự mình, tự lực tu học và canh tác phần đất của chùa để làm kế sinh nhai cùng lo hương khói vào những ngày rằm ngươn phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong vùng. Hầu như chùa không có thay đổi gì nhiều so với trước. Sau khi sư cô viên tịch. Vì không có đệ tử xuất gia tiếp nối. Ban Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam liên huyện Đức Hòa – Đức Huệ (nay là Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam huyện Đức Hòa) nhận thấy chùa không thể một ngày thiếu tiếng chuông và vắng bóng chư tăng. Cho nên lúc bấy giờ đã đề cử Đại Đức Thích Tắc Đức và Đại Đức Thích An Sang về đây sớm hôm kinh kệ.
– Đời thứ 3: Đại Đức Thích Tắc Đức, thế danh Nguyễn Văn Vàng, sinh năm Quý Tỵ (1953), tịch ngày 30 tháng 3 năm 2011 (Tân Mão), trụ thế 59 năm. Đại đức xuất gia với hòa thượng Thích Đạt Hảo. Sau khi được đề cử về đây 2 năm, trải qua thời gian dài chùa xuống cấp trầm trọng mà nhu cầu tu học của giới phật tử địa phương lúc này cũng dần tăng. Nhận biết được nhu cầu của phật tử cũng như trong tương lai cần phải có nơi sinh hoạt và tu học cho tăng chúng.
Năm 1996 thuận duyên được sự ủng hộ của quần chúng Phật tử nơi đây nên đại đức đã vận động khởi công xây dựng hạn mục chánh điện được trùng tu lại bằng bê-tông cốt thép, vách tường, mái lợp tôn thiếc, rộng 9m, dài 15,2m. Giảng đường nằm bên phải chánh điện cũng được xây dựng bằng bê-tông cốt thép, vách tường, mái lợp tôn thiếc rộng 4m, dài 9m.
Ngày 15 tháng 04 năm 2001, UBND tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận QSDĐ chùa Pháp Thạnh với diện tích 10034m2 ( gồm 3 thửa, thửa số 910 có 1030m2, thửa số 911 có 3090m2, thửa số 912 có 5960m2) do ông Nguyễn Thanh Nguyên ( phó Chủ Tịch ) ký.
Phật sự thiết nghĩ từ đây mà vươn thì đại đức lại có bệnh duyên. Sau mười mấy năm tâm quyết gắn bó cùng với ngôi già lam. Vào ngày 30 tháng 03 năm 2011 (Tân Mão) đại đức đã thuận duyên vô thường. Cũng chính vì chí nguyện xây chùa trăm sự khó khăn không thể độ đệ tử xuất gia. Vì vậy lại thêm một lần nữa chùa không người tiếp quản.
– Đời thứ 4: Đại Đức Thích Thiện Trực, thế danh Huỳnh Văn Trực, sinh ngày 19 tháng 05 năm 1970 (Canh Tuất). Xuất gia ngày 27 tháng 07 năm 1995 (Ất Hợi) với Bổn sư là Hòa thượng Thích Thiện Phúc (trụ trì chùa Linh Nguyên ấp Bình Tả 1, xã Đức hòa hạ, huyện Đức hòa, tỉnh Long an) nhận thấy đại đức với tư chất thông minh và được sống trong một gia đình nhiều đời kính tin Tam Bảo. Nên Đại đức đã được hòa thượng Bổn sư cho phép theo học các lớp như Cơ Ban Phật Học Long An tại chùa Phước Bảo (1995-1998) và chùa Thiên Khánh (1999-2000). Trong những năm còn lưu trú ở học đường, năm 1999 trường cho tổ chức đại giới đàn và cũng từ đây đại đức được hòa thượng Bổn sư cho phép làm giới tử thọ giới Tỷ kheo tại giới đàn Liễu Thiền do BTSTHPG Long An tổ chức tại Chùa Tôn Thạnh. Sau khi hoàn thành việc học đại đức Thích Thiện Trực quay trở về chùa Linh Nguyên (2001-2011) hỗ trợ Phật sự cùng thầy tổ. Đến tháng 04 năm 2011 (Tân Mão) được sự tín nhiệm của Ban Đại Diện GHPGVN liên huyện Đức Hòa – Đức Huệ nhiệm kỳ VII (nay là Ban Trị Sự GHPGVN huyện Đức hòa) đề cử về đây làm quản sự.
Sau một năm tiếp nhận quản sự chùa Pháp Thạnh và tích cực sinh hoạt đạo tràng, trùng tu nhiều hạn mục công trình như giảng đường Đạt Lý được trung tu lại ngày 19 tháng 07 năm 2013 rộng 9m dài 20m, nhà trù khố rộng 7m dài 15m, Phương trượng, nhà tăng, thiền thất, trai đường… với sự nhiệt tâm phụng sự đạo pháp và phục vụ an sinh xã hội tại địa phương.
Ngày 12 tháng 12 năm 2012 (Nhâm Thìn) đại đức được Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Long An theo công văn số 007/QĐ/BTS/VIII bổ nhiệm trụ trì chùa Pháp Thạnh cho đến nay.
+ Về mặt sinh hoạt giáo hội:
– Đại đức Thích Thiện Trực từng làm Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN liên huyện Đức Hòa – Đức Huệ nhiệm kỳ VIII (2012-2016).
– Phó trưởng ban Trị Sự GHPGVN liên huyện Đức Hòa – Đức Huệ nhiệm kỳ IX (2016-2021).
– Phó trưởng ban Trị Sự kiêm trưởng ban Từ thiện – xã hội GHPGVN huyện Đức Hòa nhiệm kỳ X (2021-2026).
– Phó trưởng ban Trị Sự GHPGVN huyện Đức Huệ nhiệm kỳ I (2021-2026).
+ Về hoạt động xã hội:
– Đại đức tham gia Đại biểu HĐND xã Hựu Thạnh khóa XI nhiệm kỳ 2016-2021.
– Ngày 24 tháng 03 năm 2019 (nhằm ngày 19/05/ Kỷ Hợi) được sự cho phép của các lãnh đạo chính quyền tỉnh Long an, huyện Đức hòa và UBND xã Hựu Thạnh, đại đức tiến hành san lấp mở rộng con đường vào chùa với chiều dài hơn 1km ngang 4m. Tổng kinh phí 1 tỷ 500 trăm triệu.
- Kết cấu kiến trúc bày trí thờ tự của chùa.
Qua khảo sát Chùa Pháp Thạnh có diện tích hơn 10034m2 được Chư Tổ khai lập theo lối xưa của vùng Nam bộ và phong thủy là: “tiền thủy hậu sơn” (trước là sông phía sau lưng là núi) tạo địa thế hậu phương vững chắc thì đạo pháp mới chấn hưng. Chính vì thế chùa thường nằm cạnh sông hoặc ngã 3 sông theo phép : ”tả thanh long, hữu bạch hổ“. Chùa thiết kế gồm vườn cây song song cùng nhiều thánh tích, sân rộng, có ao hoa sen. Nếu nhìn từ ngoài vào thấy tàn cây xanh cổ thụ ôm mái chùa, mặt tiền phía trên là nơi thờ tượng Phật thiên thủ thiên nhãn có hai dãy cầu thang lên và xuống tiện cho phật tử mỗi khi lên chiêm bái lễ lạy; cùng với những ngôi mộ, tháp làm cho ngôi già lam thêm vẻ u tịch, thanh tịnh.
Nếu bằng góc nhìn flycam thì ta thấy chùa xây dựng theo kiến trúc hình chữ đinh.Từ ngoài nhìn vào phía tay phải là tượng Quan Âm lộ thiên (cao 7m) trụ trên đầu rồng giữa ao sen được xây đúc vào tháng 02 năm 2013. Tiếp nối theo là nơi thờ tro cốt được bố trí dưới chân tôn tượng Phật A Di Đà (cao 14m), và khu vườn tháp. Phía tay trái là Quan Âm trụ trên hòn non bộ, vườn tứ thánh tích gồm có: Phật Đản Sinh, Thành Đạo, Chuyển Pháp Luân, đặc biệt là nơi Phật Thích Ca nhập Niết-bàn (dài 4m) được tôn trí trang nghiêm với tư thế nằm nghiêng bên phải trong núi non bộ tất cả đều được tôn trí trong khuôn viên chùa. Bên trong thì có Đông lang và Tây lang từ ngoài nhìn vào bên phải là Thiền thất nối liền với khu nhà tăng chúng; bên trái là giảng đường nối liền với Phương Trượng khách tăng, phía sau là nhà trù khố, nhà vệ sinh cùng vườn đất canh nông.
Cũng như cách thờ tự ở các chùa khác của vùng Nam bộ; chùa Pháp Thạnh thờ tự theo công thức tiền Phật hậu Tổ; nhưng ở đây cách thờ tự thêm nét riêng ở chánh điện của tông phái là bày trí Phật Thích Ca ở giữa và hai bên Quan Âm với Đức Địa Tạng. Phía dưới bậc tam cấp thờ Tam Thánh Tây Phương ( Phật A Di Đà- Đại Thế Chí- Quan Thế Âm). Hai tượng Tiêu Diện Đại và Hộ Pháp được thờ phía trước hai bên tả hữu của Tam Bảo hướng đối diện về nhau. Bên hông trái là điện thờ Thất Phật Dược Sư để đáp ứng cầu bình an cho quần chúng.
Phía sau chánh điện là hầu Tổ nơi được tôn thờ những bậc tiền hiền trụ trì; được phân làm ba cấp, cấp thứ nhất là thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma chất liệu gỗ hương, cấp thứ hai là tượng Hòa thượng khai sơn bằng chất liệu gỗ dâu, cấp cuối cùng là thờ di ảnh các trụ trì đời sau kế thừa. Đối diện là bên trái có bàn thờ Đức Phật Mẫu Chuẩn Đề, bên phải là bàn thờ Địa Tạng và Cửu huyền chư hương linh gia tộc họ Hồ.
( Sơ đồ thờ tự chùa Pháp Thạnh. hình 1.3)
Từ nơi trong chùa nhìn ra là cổng tam quan tứ trụ được khởi công xây dựng vào tháng 03 năm 2014. Bằng bê-tông rộng 9m cao14m, mái lợp ngói đỏ gót hài có chạm rồng uốn lượn theo những mái cong và bánh xe chuyển pháp luân được đặt ở giữa trung tâm có song rồng chầu, thiết kế bốn trụ tạo thành ba lối đi với phần cửa chính giữa lớn và hai cửa nhỏ hai bên. Phần phía trên bốn trụ được nối liền bởi các xà cách điệu làm phần trán cổng có ghi tên chùa Pháp Thạnh bên ngoài và Bát Nhã Môn ở bên trong đặc biệt tất cả đều là tiếng Việt, phần hai bên cổng có tạc câu đối do chính đại đức Thích Thiện Trực cảm tác thầm nhắc nhở tăng chúng rằng:
” Pháp bảo trang nghiêm mõ sớm xua tan đêm mê muội
Thạnh hành diệu nghĩa chuông chiều cảnh tỉnh mộng trần duyên”.
- Còn đối với hàng Phật tử thì với hai câu đối là:
” Đất báo trang nghiêm sắc hương không khác
Cửa Phật quảng đại ra vào tùy duyên”.
- Vào những ngày thường, cửa chính thường được đóng chỉ mở hai cửa hai bên trừ các dịp lễ lớn thì cửa chính mới mở.
- Những hoạt động và tổ chức tại chùa.
- Đại đức xuất gia hiện tại 03 vị: Thích Trung Trí, Thích nữ Trung Hậu, Thích Trung Hòa ( y chỉ sư có Thích Phước Ý, Thích Tâm Phước…)
- Phật tử Quy Y Tam Bảo hơn 200 vị, tín ngưỡng hơn 500 vị. Lễ Quy Y diễn ra vào mỗi cuối tháng.
- Những lễ thường diễn ra trong năm: Rằm tháng giêng, lễ tắm Phật (08/04), lễ Vu Lan (14/07/ AL), lễ vía Phật A Di Đà (17/11), lễ lớn nhất là húy kỵ tổ khai sơn (06/06/AL) khoảng 800 vị tham dự.
- Thành lập đạo tràng niệm Phật ( nay là đạo tràng Bát Quan Trai) mỗi nửa tháng một lần, hơn khoảng 60 phật tử tham dự.
- Tụng kinh hằng đêm khoảng 20 vị, sám hối khoảng 50 vị.
Nơi đây cũng là nơi tiếp nhận Tăng sinh ngoại trú học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM cơ sở 2 Lê Minh Xuân. Và là nơi tổ chức nhiều công việc thiện nguyện từ thiện được khởi dựng năm 2011 vẫn duy trì cho đến nay. Chùa Pháp Thạnh được các phái đoàn phật tử các nơi ủng hộ vật chất cũng như tinh thần để hỗ trợ đời sống bà con có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương huyện nhà và các tỉnh lân cận với hạnh nguyện “phụng sự đạo pháp dân tộc” là cúng dường mười phương chư Phật, song song cùng phương châm truyền thống “lá lành đùm lá rách”.
- Pháp môn và Tông chỉ.
- Dưới sự hướng dẫn của Đại đức Thích Thiện Trực, Chùa Pháp Thạnh chủ trương hình thái Tịnh Độ tông. Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả và đồng thời trì tụng các kinh điển Đại thừa: Kinh Địa Tạng, Kinh Dược Sư, Kinh Vu Lan, Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm…
- Chủ trương tinh thần nhập thế và truyền bá Phật pháp qua các hoạt động khóa tu và từ thiện đề cao tinh thần Phật giáo thời Lý – Trần. Mang đậm chất thuần Việt.
Chùa thường xuyên tổ chức các khóa tu Bát Quan Trai vào mỗi nữa tháng, quy y Tam bảo vào các ngày rằm lớn như rằm tháng giêng, rằm tháng tư, rằm tháng bảy, rằm tháng mười và các lễ hội văn hóa Phật giáo.
- Chùa Pháp Thạnh và các chùa chi nhánh trực thuộc được thành lập.
- Hiện chưa có chi nhánh nào trực thuộc Chùa Pháp Thạnh.
- Đạo tràng Bát Quan Trai
- Do Đại đức Thích Thiện Trực , trụ trì Chùa Pháp Thạnh sáng lập, gồm có như sau:
- + 1 Trưởng ban: do các huynh trưởng có kinh nghiệp tu tập lâu năm đảm nhiệm.
- + 2 Phó ban gồm: một Nam phật tử và một Nữ phật levitra pills in australia tử.
- + 1 Thơ ký: do phật tử thuần thành phụ trách.
- + 1 Ban âm thanh ánh sáng: do thanh niên phật tử phụ trách.
- Liên Lạc
– Trụ trì: Đại đức Thích Thiện Trực: 0937162490.
hoặc Đại đức Thích Trung Trí: 0335248445. Email: [email protected].